Thấp khớp cấp-“bệnh khớp đớp vào tim”

“Bệnh khớp đớp vào tim” là tên gọi người dân hay sử dụng để chỉ căn bệnh có tổn thương khớp và biến chứng trên tim mạch. Đây chính là các biểu hiện của bệnh thấp tim hay bệnh thấp khớp cấp thường gặp ở thiếu nhi và thanh thiếu niên. Nhưng rất ít người biết đến căn nguyên nguyên nhân gây bệnh và phương pháp phòng ngừa bệnh rất đơn giản. Vì thế biết được nguyên nhân và cách phòng ngừa là vấn đề cơ bản để hạn chế mắc bệnh cho trẻ em.

Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh

Nhiều người lầm tưởng tổn thương tim là do các bệnh về khớp gây ra nên nhiều người lo lắng khi đang mắc các bệnh về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp. Tuy nhiên bệnh là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra. Vi khuẩn này thường gây ra các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, hoặc viêm da do liên cầu.

Cơ chế gây bệnh là do sự giống nhau giữa cấu trúc vi khuẩn và các tế bào cơ thể đặc biệt là cơ tim, sụn khớp và mô mềm dưới da. Từ đó dẫn đến sự tiêu diệt nhầm lẫn giữa vi khuẩn và các tế bào này dẫn đến tổn thương các cơ quan đặc biệt là khớp và tim.

Thường sau khi liên cầu tấn công vào cơ thể gây viêm họng khoảng 2-3 tuần sau mới xuất hiện các biểu hiện ở khớp và tim nên chúng ta thường không nghĩ đến nguyên nhân sâu xa là do viêm họng gây ra.

Triệu chứng

Viêm họng và viêm đường hô hấp trên: sốt, đau họng, hạch góc hàm, nói khó, ăn uống nuốt xuống thấy đau, soi họng thấy họng viêm đỏ, phù nề. Khoảng 2 tuần sau khi bị viêm họng không được khắc phục đúng cách sẽ dẫn đến các biểu hiện tại khớp và tim.

Biểu hiện tại khớp: sưng nóng đỏ đau các khớp cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay,… có thể bị hai bên. Các triệu chứng này nhanh chóng giảm sau khi sử dụng các sàn phẩm chống viêm.

Biểu hiện tại tim: tổn thương màng và cơ tim gặp sớm nhất, trống ngực, khó thở, đau ngực, tím tái là những triệu chứng hay gặp. Không được khắc phục sẽ để lại di chứng tổn thương các van tim.

Ngoài ra, có thể biểu hiện trên các cơ quan khác như: phổi, thận, gan lách, mạch máu.

Phòng ngừa và ngăn chặn biến chứng

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ một cách cẩn thận, không nên coi thường khi trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Đưa trẻ đi khám và hỗ trợ điều trị triệt để các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm da. Hướng dẫn trẻ biết cách giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, đánh răng và súc miệng vệ sinh mũi họng, đi ra ngoài nên đeo khẩu trang cẩn thận.

Khi phát hiện trẻ với các triệu chứng gợi ý như trên cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế, cho trẻ nghỉ ngơi và đi lại nhẹ nhàng, tuyệt đối không chạy nhảy, chơi thể thao. Cần chốnbg tích cực trong giai đoạn đầu của bệnh để giảm các triệu chứng và biến chứng nặng nề.

Sau giai đoạn cấp tính cần hỗ trợ điều trị dự phòng cho trẻ, đây là một bệnh cần dự phòng kháng sinh kéo dài, thường từ 5 năm nếu chưa có biểu hiện ở cơ tim và không có đợt tái phát bệnh. Nếu có tổn thương cơ tim cần dự phòng đến khi 25 tuổi.