Thảo dược đông y ngăn bệnh đau dạ dày

Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng rối loạn tiêu hóa, từ chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, do nhiễm khuẩn, do dùng kháng sinh… gây nên các tình trạng như táo bón,tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… Đông y có một số bài ngăn chứng rối loạn tiêu hóa do lạnh, mời bạn đọc tham khảo.

Theo đông y, nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa đến từ chế độ ăn không hợp vệ sinh, do lạnh, do hiện tượng nhiễm khuẩn

Biểu hiện của người bệnh là đau bụng liên liên, sôi bụng, sợ lạnh, sợ gió, đau đầu, mình lạnh, không khát, đi đại tiện phân lỏng, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù hoãn hay nhu hoãn.

Thảo duợc hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa do lạnh:

Cách điều trị: giải biểu, tán hàn (ôn hàn táo thấp hay ôn trung táo thấp). Dùng một trong các bài:

Bài 1

  • Nụ sim hay búp ổi sao 100g
  • Vỏ rụt thái mỏng sao 50g
  • Củ riềng 50g

Các vị sao giòn, tán nhỏ, rây, cho vào lọ đậy kín. Người lớn 6 – 8g/lần; trẻ em tùy theo tuổi: 2 – 5g. Hòa trong nước sôi để nguội.

Bài 2

  • Hoắc hương 15g
  • Tô diệp 10g
  • Thương truật 8g
  • Cam thảo 3g
  • Trần bì 5g
  • Đại táo 4 quả
  • Hậu phác 3g
  • Phục linh 6g

Cách làm như sau: Sấy, sao giòn, tán nhỏ, đóng gói 8 – 10g/gói.

Liều dùng:

  • Người lớn uống 2 – 5 gói/ngày.
  • Trẻ em: 2 – 3 tuổi uống 1/4 gói/ lần; 4 – 7 tuổi uống 1/3 gói/lần; 8 – 10 tuổi uống 1/2 gói/lần. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng.

Bài 3

  • Hoắc hương khô 200g
  • Vỏ rụt 400g
  • Thảo quả 160g
  • Hậu phác 400g
  • Hạt cau rừng 160g
  • Trần bì 160g

Ngâm vỏ rụt với nước gạo, cạo bỏ vỏ ngoài; hậu phác tẩm nước gừng sao; thảo quả bỏ vỏ. Sau đó phơi khô hay sấy khô, tán bột mịn, luyện với hồ thành viên to bằng hạt đậu đen, sấy khô, đóng lọ.

Liều dùng:

  • Trẻ 2 – 5 tuổi uống 3 – 5 viên/lần; 6 – 10 tuổi uống 6 – 10 viên/lần; 10 – 15 tuổi uống 15 viên.
  • Người lớn uống 20 – 30 viên. Ngày uống 3 lần, uống với nước sôi để nguội. Kiêng thức ăn có mỡ, tanh, khó tiêu; khi điều trị nên ăn cháo loãng.

Bài 4

  • Hoắc hương khô 200g
  • Cam thảo 100g
  • Vỏ vối 160g
  • Đại hồi 200g
  • Trần bì lâu năm 80g
  • Vỏ rụt khô 160g
  • Sa nhân 200g
  • Riềng già khô 160g

Các dược liệu dùng dạng khô, sao lại cho khô; tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Luyện với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Phơi hay sấy khô và đóng lọ kín. Có tác dụng ngăn nhiễm khí lạnh hoặc khi ăn các thứ nguội lạnh, đầy bụng, tiêu lỏng, nhiều lần, đầy hơi, nôn mửa.

Liều dùng:

  • Trẻ 5 – 10 tuổi dùng 10 viên/lần; 10 – 15 tuổi dùng 20 viên/lần
  • Người lớn dùng 30 viên/lần. Ngày dùng 2 lần, uống với nước nóng hay nước chè nóng.

Nên ăn cháo loãng. Kiêng ăn thức ăn sống lạnh.

Bài 5

  • Củ sả 30g
  • Vỏ quýt 20g
  • Hương phụ 10g
  • Búp ổi 40g

Sao giòn, tán bột mịn, đóng lọ kín. Chống đau bụng, tiêu chảy thể hàn. Người lớn 1 – 2 thìa cà phê/lần; Trẻ em 1/2 thìa cà phê/lần. Uống với nước nóng.

Bài 6

  • Gừng già nướng cháy 40g
  • Quế chi 8g
  • Hoắc hương 20g
  • Đại hồi 12g

Sắc các vị, uống khi còn ấm. Phụ nữ có thai không dùng.

Kết hợp châm cứu hoặc xoa bóp các huyệt: thiên khu, trung quản, khí hải, túc tam lý, hợp cốc, đại trường du

Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa được không?

Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ổn định, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Nên có chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nên tránh một số thực phẩm như hành, tỏi, bắp cải, rau húng, cần tây, nho khô, mận…

Nếu đang gặp phải vấn đề  về tiêu hóa nên tránh sản phẩm từ sữa trừ sữa chua vì nó có thành phần gây khó tiêu nếu hệ tiêu hóa không được khỏe mạnh. Đồng thời tránh xa đồ chiên rán.

Hạn chế đồ uống có gas cà phê và các loại bánh kẹo nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn…

Ăn uống đúng bữa, tập nhai kỹ trước khi nuốt để đỡ gánh nặng cho dạ dày. Đồng thời chế độ ăn bổ sung nhiều rau xanh, giảm bớt thịt và các chất đạm.

Luyện tập thể dục thể thao điều độ để giúp có một cơ thể khỏe mạnh. Luyện tập không chỉ tốt cho tim mạch, cơ bắp mà còn giúp cân bằng bài tiết cũng như cân bằng nhu động ruột.

Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, luôn giữ tay sạch sẽ bằng cách rửa tau trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh..